Bộ GD&ĐT hướng dẫn khung quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025
20/05/2025 2025-05-20 10:11Bộ GD&ĐT hướng dẫn khung quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025
Bộ GD&ĐT hướng dẫn khung quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa chính thức ban hành hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó đáng chú ý là hướng dẫn cụ thể về khung quy đổi tương đương điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển khi các cơ sở đào tạo sử dụng nhiều hình thức tuyển sinh song song cho một ngành hoặc nhóm ngành.
Nguyên tắc xây dựng khung quy đổi xét tuyển đại học năm 2025
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh rằng việc xây dựng quy tắc quy đổi điểm giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển phải tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi, bao gồm:
- Bảo đảm tính tương đương giữa các phương thức xét tuyển.
- Dựa trên yêu cầu đầu vào thực chất.
- Đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai và thống nhất.
- Có cơ sở khoa học và thực tiễn.
- Đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng.
Khung quy đổi giữa các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT
Khung quy đổi được xây dựng dựa trên phương pháp bách phân vị (percentile equating), xác định tương quan điểm số giữa các bài thi riêng (như APT, HSA, TSA…) và điểm các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT. Các khoảng điểm được phân chia theo các mức phân vị như top 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%… nhằm phản ánh chính xác vị trí của thí sinh trong phân phối điểm chung.

Theo phân tích của tổ chuyên gia kỹ thuật (theo Quyết định số 1104/QĐ-BGDĐT), phương pháp bách phân vị được khuyến nghị sử dụng trong việc quy đổi điểm giữa các kỳ thi để đảm bảo tính ổn định, công bằng và chính xác giữa các đợt thi, cũng như giữa các năm tuyển sinh.
Phương pháp bách phân vị: Dựa trên phân bố điểm của hai kỳ thi, phương pháp này xác định điểm tương đương ở cùng một phân vị để chuyển đổi, từ đó bảo đảm thứ hạng tương đối của thí sinh trong các kỳ thi khác nhau.
Quy định đối với các kỳ thi tuyển sinh riêng
Các cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập phải xác định các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp với nội dung và đặc điểm bài thi riêng. Đồng thời, Bộ khuyến khích các trường công bố tổ hợp phù hợp nhất để tham khảo và sử dụng thống nhất.
Các yêu cầu cụ thể như sau:
- Trước ngày 31/5, các cơ sở đào tạo phải công bố bách phân vị (X0, X1…) của kết quả bài thi riêng.
- Chậm nhất đến ngày 30/6 đối với những bài thi có kết quả công bố sau ngày 31/5.
- Trong vòng 3 ngày sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các cơ sở phối hợp với Bộ để công bố các khoảng điểm tương ứng của tổ hợp môn thi THPT (A0, A1…, B0, B1…).
Trên cơ sở dữ liệu này, điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào sẽ được quy đổi tuyến tính theo từng khoảng điểm. Ví dụ:
Nếu điểm trúng tuyển theo tổ hợp A00 là T_A00 và nằm trong khoảng A2 – A3 thì điểm quy đổi tương đương theo điểm HSA (T_HSA) sẽ được tính theo công thức: T_HSA = HSA3 + (T_A00 – A3) × (HSA2 – HSA3) / (A2 – A3)
Khung quy đổi giữa các tổ hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT
Hệ thống tuyển sinh chung tiếp tục duy trì tính năng nhập điểm chênh lệch giữa tổ hợp xét tuyển gốc và các tổ hợp khác như các năm trước. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển sẽ được xác định dựa trên đối sánh phổ điểm do Bộ GD&ĐT công bố sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Khung quy đổi từ kết quả học tập THPT (học bạ)
Do điểm học bạ không được đánh giá theo một hệ thống chuẩn quốc gia, nên Bộ GD&ĐT không xây dựng khung quy đổi chung cho hình thức này. Tuy nhiên, Bộ sẽ cung cấp thống kê về tương quan giữa điểm trung bình các môn học với điểm thi tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để các trường xây dựng quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, ngưỡng đầu vào.
Hướng dẫn áp dụng khung quy đổi các phương thức xét tuyển đại học
Căn cứ vào nguyên tắc và khung quy đổi, các cơ sở đào tạo cần xây dựng bảng và công thức quy đổi cụ thể cho từng ngành, nhóm ngành hoặc chương trình đào tạo:
- Lựa chọn bài thi và tổ hợp môn phù hợp với phương thức xét tuyển của từng chương trình.
- Mỗi bài thi riêng sử dụng một bảng quy đổi riêng, chọn tổ hợp môn phù hợp nhất làm cơ sở chính, các tổ hợp khác quy đổi dựa trên mức chênh lệch điểm.
- Có thể chi tiết hóa hoặc điều chỉnh khoảng điểm trong khung quy đổi (Bảng 1) để phù hợp với yêu cầu của từng chương trình đào tạo.
Đối với các kỳ thi quốc tế như SAT, ACT… không do các cơ sở trong nước tổ chức, các trường cũng phải xây dựng bảng và công thức quy đổi tương ứng, Bộ khuyến nghị tiếp tục áp dụng phương pháp bách phân vị để đảm bảo sự tương thích và công bằng.
Các căn cứ xây dựng bảng quy đổi cần dựa trên phân tích dữ liệu thực tiễn như: kết quả tuyển sinh các năm trước, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển theo từng phương thức, phổ điểm của các kỳ thi…
Cơ sở đào tạo cũng cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như bản chất kỳ thi, độ khó, thang điểm, phân bố điểm và đặc điểm nhóm thí sinh để đảm bảo tính chính xác và phù hợp trong việc xây dựng bảng và công thức quy đổi.
Xem thêm:
Năm học 2025, Trường Đại học CMC đào tạo các ngành/chương trình đào tạo đón đầu xu hướng: Công nghệ Thông tin, Khoa học Máy tính, Trí tuệ Nhân tạo, Kỹ thuật Phần mềm, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, Công nghệ Robot thông minh, Quản trị Kinh doanh, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Digital Marketing, Thương mại điện tử, Thiết kế Đồ họa, Đồ họa game, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Tiếng Nhật thương mại.
Đây là những ngành học chưa bao giờ ngừng “cơn khát” nhân lực với mức thu nhập khủng, phù hợp với những bạn trẻ năng động, tự tin và khao khát khai phá Thế giới Số. Các sĩ tử hãy nhanh tay đăng ký xét tuyển ngay tại trang: https://xettuyen.cmcu.edu.vn/ để tự tin trúng tuyển ngành học yêu thích và giành lợi thế xét học bổng giảm 100% học phí từ Trường Đại học CMC nhé!
