About The Event
Chiều 16/08/2022, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghệ CMC và Trường Đại học CMC.
Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ CMC, lãnh đạo Trường Đại học CMC.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, ông Hồ Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC đã giới thiệu về năng lực công nghệ thông tin và hoạt động kinh doanh ở 4 khối chủ lực, cũng như chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng, chiến lược phát triển của Tập đoàn Công nghệ CMC trong thời gian tới, đặc biệt là định hướng của khối Nghiên cứu và Giáo dục của tập đoàn. Cũng tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đã giới thiệu tổng quan về những giá trị cốt lõi, thế mạnh và điểm khác biệt nổi bật của Trường Đại học CMC trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.
Chia sẻ mối quan tâm đến mô hình đại học số trong thời gian tới, Bộ trưởng đặt vấn đề, mong muốn Trường Đại học CMC có thể trở thành hình mẫu cho mô hình đại học này; đồng thời tham gia rộng lớn hơn vào hệ thống chuyển đổi số của ngành và tham gia để gia tăng các chỉ số nghiên cứu khoa học trong hệ thống các đại học, trường đại học…
Với 5 giá trị cốt lõi đã được Trường Đại học CMC đặt ra trong định hướng phát triển là: Khai phóng – Sáng tạo – Thực tiễn – Phản biện – Tôn trọng sự khác biệt, Bộ trưởng gợi mở, trong những giá trị cốt lõi, nên tuyên bố giá trị tinh thần dân tộc; có tầm nhìn thế giới, nhưng kiến tạo và phát triển trên cơ sở lợi ích của dân tộc.
Tại buổi đến thăm và làm việc, đại diện Ban lãnh đạo Tập đoàn CMC, Trường Đại học CMC cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã trao đổi, thảo luận về chủ đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số cho quốc gia.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học CMC, hiện nay nhân lực công nghệ cao về chuyển đổi số đang trong tình trạng cung rất thiếu so với cầu.
Vì thiếu nguồn cung nên các doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh để thu hút nhân lực, dẫn đến mức thu nhập ngành này tăng lên đáng kể. Bên cạnh thiếu về số lượng, sinh viên ngành này ra trường vẫn phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng của doanh nghiệp. “Làm sao để có nguồn kĩ sư ra trường chất lượng cao, đó chính là một mục tiêu mà CMC hướng tới” – ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác thăm cơ sở vật chất của Trường Đại học CMC và Tập đoàn CMC.Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh chính sách phù hợp dành cho hệ thống giáo dục đại học công và giáo dục đại học tư. Với hệ thống công, đại diện Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu làm sao điều chỉnh chính sách thực hiện tự chủ đại học cho đúng nghĩa, đầy đủ, có chiều sâu; khai phóng, tháo gỡ những vướng mắc để hệ thống các trường đại học công lập phát triển một cách mạnh mẽ. Với hệ thống các trường đại học tư, quan điểm là hỗ trợ, quan tâm bình đẳng cùng phát triển và nếu biết phát huy thì hệ thống này sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Riêng với Trường Đại học CMC, Bộ trưởng phân tích sâu, toàn diện những lợi thế lớn của nhà trường; đặc biệt ở góc độ là trường đại học trong doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, lại là doanh nghiệp mạnh về công nghệ…
“Phải tận dụng triệt để các lợi thế này”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn Trường Đại học CMC đặt ra mục tiêu, khát vọng lớn hơn nữa, đặt ra yêu cầu về tốc độ trưởng thành nhanh hơn nữa với nấc thang đạt được tính theo từng năm. Cùng với đó, đa ngành nhưng vẫn cần xác định trọng tâm, mũi nhọn, sở trường, thế mạnh để tập trung đầu tư. Có chính sách để có thể thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới đến giảng dạy, làm việc.
Lắng nghe chỉ đạo từ đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Nguyễn Trung Chính bày tỏ sự cảm ơn với những quan tâm sát sao của Bộ GD&ĐT, đồng thời nhấn mạnh khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường của Tập đoàn CMC. Được tiếp thêm sự động viên cổ vũ từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Nguyễn Trung Chính xin cam kết Trường Đại học CMC sẽ tận dụng tối đa những lợi thế đang có để hoàn thành hết sức và cán đích những mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn được Bộ GD&ĐT tạo điều kiện để Trường Đại học CMC có môi trường phát triển thử thách chính mình, đóng góp những giá trị cho hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như sự phát triển của đất nước.
Hiện tại, Tập đoàn Công nghệ CMC đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cho dự án xây dựng trụ sở chính Trường Đại học CMC giai đoạn 1, đặt tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đến tháng 8/2022, dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành giai đoạn thiết kế, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Giai đoạn 2022 – 2025, Nhà trường đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo 8 ngành trình độ đại học (với hơn 30 chuyên ngành), gồm: Công nghệ thông tin; Khoa học máy tính; Kỹ thuật máy tính và Viễn thông (là ngành thí điểm); Quản trị kinh doanh; Marketing và Truyền thông; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Ngôn ngữ Nhật; Thiết kế đồ họa.
Sau năm 2025, Trường đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật khác như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe công nghệ cao, công nghệ thực phẩm, công nghệ vật liệu, đồng thời tuyển sinh và đào tạo sau đại học.
Ban tuyển sinh, marketing và truyền thông