Hiểu sâu về AI để dẫn đầu với Seminar: “Cách mạng AI: DeepSeek, ChatGPT và tác động của chúng”

Hiểu sâu về AI để dẫn đầu với Seminar: “Cách mạng AI: DeepSeek, ChatGPT và tác động của chúng”

Dựa trên xu hướng phát triển mạnh mẽ của AI và nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này, ngày 7/3 vừa qua, Khoa Công nghệ Thông tin & Truyền thông, Trường Đại học CMC đã tổ chức buổi seminar với chủ đề “Cách mạng AI: DeepSeek, ChatGPT và tác động của chúng”, thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, chuyên gia và sinh viên.

seminar trí tuệ nhân tạo trường đại học cmc
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Chương trình quy tụ các diễn giả là các chuyên gia trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo, bao gồm: GS.TS. Nguyễn Lê Minh – Trưởng phòng thí nghiệm Nguyen Lab, Viện Khoa học và Công nghệ, Nhật Bản; PGS.TS. Nguyễn Phi Lê – Điều hành Viện Nghiên cứu và Ứng dụng AI (AI4LIFE), Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học CMC; PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC, đồng thời là chuyên gia AI và giáo dục công nghệ. Hội thảo được dẫn dắt và điều phối bởi PGS.TS. Vũ Việt Vũ – Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin & Truyền thông, Trường Đại học CMC.

Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang có những bước tiến vượt bậc, làm thay đổi cách con người làm việc, tư duy và định hình lại nhiều lĩnh vực quan trọng, từ khoa học, kinh tế cho đến giáo dục. Đặc biệt, sự xuất hiện và phát triển ấn tượng của các mô hình AI tiên tiến, trong đó có DeepSeek và ChatGPT, đã mở ra một kỷ nguyên mới, nơi tự động hóa và tối ưu hóa năng suất lao động trở thành những xu hướng chủ đạo.

Bên cạnh cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới, AI cũng đặt ra vô số thách thức về cơ chế vận hành, triển khai ứng dụng và các vấn đề pháp lý, đạo đức. Trong bối cảnh đó, việc tìm hiểu sâu hơn về AI, từ nền tảng kỹ thuật cho đến tiềm năng thực tiễn, trở thành nhu cầu tất yếu đối với cả giới nghiên cứu lẫn người học.

DeepSeek và cuộc đua với ChatGPT

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh trình bày phần tham luận về: “DeepSeek – sự trỗi dậy của AI hiệu quả và tiết kiệm”. Theo đó, DeepSeek – một mô hình Trí tuệ Nhân tạo (AI) được đầu tư với kinh phí khiêm tốn khoảng 5 triệu USD vẫn có khả năng cạnh tranh đáng kể với ChatGPT – mô hình Trí tuệ Nhân tạo được OpenAI đầu tư lên tới 6 tỷ USD.

seminar trí tuệ nhân tạo trường đại học cmc
PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh trình bày phần tham luận về: “DeepSeek – sự trỗi dậy của AI hiệu quả và tiết kiệm”.

Hệ thống này có giá token đầu vào và đầu ra rẻ hơn so với ChatGPT, đồng thời cung cấp truy cập miễn phí, giúp nhiều người dùng tiếp cận mà không cần trả phí cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, DeepSeek đã nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của ChatGPT nhờ vào những ưu điểm vượt trội về hiệu suất và chi phí.

Một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận là chi phí vận hành AI và tài nguyên huấn luyện AI. Trước đây, chỉ những tổ chức lớn với nguồn tài chính mạnh mới có thể làm chủ công nghệ AI. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những mô hình như DeepSeek đang mở ra cơ hội mới cho những doanh nghiệp nhỏ và cá nhân tham gia vào thị trường AI mà không cần đầu tư quá lớn. Điều này cũng là nguồn cảm hứng rất lớn cho sinh viên để dám dấn thân vào ngành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo vốn được cho là rất đắt đỏ này.

Khả năng ứng dụng AI tại Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Lê Minh đã trình bày về lịch sử phát triển của AI, nhấn mạnh rằng đây là một lĩnh vực đầy thách thức và luôn đòi hỏi sự đổi mới không ngừng. Ông đặc biệt đánh giá cao sự đột phá của DeepSeek, vì mô hình này chứng minh rằng ngay cả với tài nguyên hạn chế, một nhóm nghiên cứu vẫn có thể tạo ra một sản phẩm AI mạnh mẽ.

Ông cũng chia sẻ thêm về những kỹ thuật quan trọng để xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), bao gồm việc phát triển foundation model, quy trình huấn luyện dữ liệu và tối ưu hóa mô hình để đạt hiệu suất cao nhất.

seminar trí tuệ nhân tạo trường đại học cmc
GS.TS. Nguyễn Lê Minh tại hội thảo.

Ngoài ra, một trong những vấn đề được sinh viên quan tâm đặt câu hỏi là khả năng tạo hình ảnh (image generation) của các mô hình AI. Theo đánh giá của GS.TS. Nguyễn Lê Minh, mô hình cơ sở của DeepSeek không thể so sánh trực tiếp với mô hình mạnh nhất của OpenAI nhưng vẫn đạt đến trình độ đủ cao để cạnh tranh trên thị trường. Ông cũng khuyến khích sinh viên thử nghiệm nhiều hướng nghiên cứu khác nhau để duy trì sự đột phá, đặc biệt trong bối cảnh AI phát triển nhanh và liên tục “thay da đổi thịt.”

Với nhiều công trình nghiên cứu về ứng dụng AI vào các bài toán thực tiễn tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Phi Lê tập trung vào những giải pháp cụ thể mà AI có thể mang lại cho đời sống, ví dụ điển hình là dự báo thiên tai và phòng chống bão lụt.

seminar trí tuệ nhân tạo trường đại học cmc
PGS.TS. Nguyễn Phi Lê giới thiệu về hai nghiên cứu gần đây của mình, trong đó AI được sử dụng để hỗ trợ trung tâm thủy văn trong việc dự báo đường đi và cường độ của bão.

Theo bà, muốn nâng cao hiệu quả của các mô hình AI, trước hết cần có hệ thống dữ liệu chất lượng, đồng thời phải luôn chú trọng khía cạnh đạo đức và an toàn. Khả năng AI tiếp tục “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, y tế hay giáo dục đều là hướng triển vọng để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người dùng tại Việt Nam nắm bắt và tận dụng.

Trường Đại học CMC đặt mục tiêu xây dựng mô hình “AI University”

Trong bối cảnh AI thâm nhập sâu rộng vào mọi lĩnh vực, Trường Đại học CMC đặt mục tiêu xây dựng mô hình “AI University”, ứng dụng AI vào các hoạt động quản trị, giảng dạy và nghiên cứu. Trường Đại học CMC đã triển khai trợ lý đào tạo AI, qua đó hỗ trợ sinh viên trong việc giải đáp thắc mắc học tập. Trong thời gian tới, Nhà trường đặt mục tiêu phát triển trợ giảng AI, giúp sinh viên có thể học tập hiệu quả hơn.

Sự phát triển của AI cũng đặt ra những thách thức mới cho phương pháp giảng dạy truyền thống. Trước đây, người học chủ yếu dựa vào giáo trình và Google để tìm kiếm tài liệu, nhưng hiện tại, sinh viên có thể nhận được câu trả lời trực tiếp từ ChatGPT hoặc các mô hình tương tự. Điều này đòi hỏi giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy để giúp sinh viên tận dụng AI một cách thông minh và sáng tạo.

Đối với giảng viên, việc xuất hiện các công cụ AI như ChatGPT hay DeepSeek đồng nghĩa với yêu cầu thay đổi phương pháp sư phạm. Thay vì chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết, giảng viên cần giúp sinh viên nắm được nguyên lý vận hành AI, hiểu rõ hạn chế cũng như biết đánh giá tính chính xác của dữ liệu đầu ra. Mô hình AI University cũng hứa hẹn tạo ra nhiều nghiên cứu liên ngành, thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số.

Giao diện của hệ thống Trợ lý đào tạo AI của Trường Đại học CMC
Giao diện của hệ thống Trợ lý đào tạo AI của Trường Đại học CMC

Bên cạnh các phần tham luận chuyên sâu, sự kiện cũng mang đến, phần thảo luận sôi nổi giữa diễn giả và các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên về các xu hướng AI tương lai. Những trao đổi về chi phí vận hành, khả năng cá nhân hóa mô hình AI được phân tích dưới góc nhìn thực tế, mở ra góc nhìn toàn diện về tiềm năng, thách thức và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trước sự bùng nổ của công nghệ mới.

seminar trí tuệ nhân tạo trường đại học cmc

Xem thêm:

Những chia sẻ và trao đổi chuyên sâu về DeepSeek, ChatGPT cùng với các ứng dụng AI đã mở ra góc nhìn toàn diện về tiềm năng, thách thức và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trước sự bùng nổ của công nghệ mới. Mục tiêu xây dựng mô hình “AI University” tại Trường Đại học CMC đã minh chứng cho nỗ lực hiện thực hóa AI trong giảng dạy, nghiên cứu, đồng thời khuyến khích đổi mới phương pháp giáo dục. Qua đó giúp sinh viên không chỉ làm chủ công nghệ mà còn sử dụng AI một cách sáng tạo, hiệu quả trong kỷ nguyên số.