Hợp tác đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, Trường Đại học CMC làm việc với Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa – Bộ Công Thương

Hợp tác đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, Trường Đại học CMC làm việc với Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa – Bộ Công Thương

Ngày 21/03 vừa qua, lãnh đạo Trường Đại học CMC đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Trung tâm Bán dẫn – Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VELINA) trực thuộc Bộ Công Thương.

Sự kiện nhằm trao đổi về định hướng phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời giới thiệu tiềm năng hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa các bên, qua đó xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Trường Đại học CMC hợp tác đào tạo vi mạch bán dẫn ic design bộ công thương
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự sự kiện có TS. Trần Trọng An – Giảng viên Khoa học Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội; Chủ tịch Hamikia Tech Co., Ltd – đơn vị phát triển công nghệ gia công chế tạo trong lĩnh vực cơ khí và sản xuất; chuyên gia Nguyễn Bích Thủy – Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VELINA), Bộ Công Thương. Về phía Trường Đại học CMC có: PGS. TS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng; ông Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc; TS. Hoàng Tiểu Bình – Trưởng Ban Đại học Số cùng đại diện giảng viên Khoa Vi điện tử & Viễn thông và cán bộ các Phòng, Ban.

Dự án INVEST – phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Buổi gặp gỡ nhằm thảo luận về tiềm năng hợp tác trong dự án INVEST nhằm phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn tại Việt Nam. Dự án do Giáo sư Liesl Folks (Đại học Arizona) chủ trì, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Các đối tác tham gia dự án bao gồm: Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VELINA – Bộ Công Thương) và nhóm trường đại học có thế mạnh về công nghệ thông tin. Dự án đặt mục tiêu đào tạo 8.000 nhân lực trong giai đoạn đầu, từ sinh viên THPT, cao đẳng – đại học đến nhân sự đang làm việc tại doanh nghiệp công nghệ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neuffer, Việt Nam ngày càng giữ vị thế quan trọng trong lĩnh vực bán dẫn với nhiều tập đoàn lớn (Intel, Amkor) đã rót vốn đầu tư. Đặc biệt, sau khi Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và đầu tư, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.

Đại học Arizona (UA) là trung tâm nghiên cứu và đào tạo bán dẫn hàng đầu tại Hoa Kỳ: Với hơn 210 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào công nghệ bán dẫn mỗi năm tại Hoa Kỳ, Đại học Arizona chiếm hơn 25% trong số đó. Năm 2023, UA đã đào tạo hơn 7.770 sinh viên tốt nghiệp cử nhân, 2.297 thạc sĩ và 467 tiến sĩ về bán dẫn. Trường cũng sở hữu các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu tiên tiến và mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong ngành.

Trong buổi làm việc, lãnh đạo Trường Đại học CMC đã giới thiệu khái quát về các chương trình đào tạo, đặc biệt nhấn mạnh về thế mạnh của Khoa Vi điện tử và Viễn thông, với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn đang có nhiều triển vọng ở Việt Nam và trên thế giới.

Trường Đại học CMC hợp tác đào tạo vi mạch bán dẫn ic design bộ công thương
PGS. TS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC.

Nhà trường đã đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm (lab) chuyên dụng, trang thiết bị đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn thiết kế hiện đại, cho phép người học không chỉ tiếp thu lý thuyết mà còn trực tiếp tham gia các dự án nghiên cứu. Thay vì theo mô hình hàn lâm truyền thống nặng về lý thuyết, chương trình đào tạo tại Trường Đại học CMC nhấn mạnh tính linh hoạt và ưu tiên thực hành, lồng ghép linh hoạt các nội dung STEM giúp người học vừa nắm vững cơ sở khoa học – công nghệ, vừa có khả năng ứng dụng ngay vào công việc thực tế.

Giảng viên phụ trách chuyên môn được đào tạo theo chuẩn quốc tế, thường xuyên cập nhật những cải tiến công nghệ, đảm bảo người học luôn bắt kịp xu hướng. Không dừng lại ở đó, sinh viên cũng được tạo điều kiện thực tập tại các công ty bán dẫn lớn trong và ngoài nước, giúp rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo hàn lâm và thị trường lao động. Các khóa học ngắn hạn, chuyên sâu được thiết kế để sinh viên sớm tiếp cận với quy trình sản xuất, kiểm thử sản phẩm bán dẫn và những kỹ thuật hiện đại đang được sử dụng tại các doanh nghiệp.

vi mạch bán dẫn
Hệ thống phòng lab chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo Thiết kế vi mạch tại Trường Đại học CMC.

Trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học CMC, chuyên gia Nguyễn Bích Thủy giới thiệu các chương trình hỗ trợ, tư vấn chiến lược phát triển ngành bán dẫn đang được Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VELINA) – Bộ Công Thương triển khai ở cấp quốc gia. Đơn vị đã và đang kết nối với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm hình thành cơ sở dữ liệu, phân tích thị trường và đưa ra định hướng phát triển cho ngành bán dẫn ở Việt Nam. Những nội dung trao đổi này mở ra cơ hội hợp tác cụ thể trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đồng thời thiết lập mối gắn kết chặt chẽ giữa giới học thuật và nhu cầu thị trường.

Trường Đại học CMC hợp tác đào tạo vi mạch bán dẫn ic design bộ công thương
Bà Nguyễn Bích Thủy – Chuyên gia Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VELINA), Bộ Công Thương.
Trường Đại học CMC hợp tác đào tạo vi mạch bán dẫn ic design bộ công thương
TS. Trần Trọng An – Giảng viên Khoa học Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội; Chủ tịch Hamikia Tech Co., Ltd.

Thành lập nhóm nghiên cứu liên trường, tăng cường hợp tác doanh nghiệp

Trọng tâm của buổi làm việc là thảo luận về cách thức triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu chung. Các bên tập trung nhấn mạnh việc bồi dưỡng chuyên sâu cho giảng viên và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại, cũng như tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học. Trong đó, Trường Đại học CMC đặc biệt quan tâm tới việc chia sẻ giáo trình và phương pháp giảng dạy về bán dẫn, nhằm đảm bảo chương trình đào tạo liên tục được cập nhật theo xu hướng công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề cập đến khả năng mở rộng cơ hội thực tập, thực hành cho sinh viên tại các doanh nghiệp và viện nghiên cứu chuyên sâu. Trong đó, Hamikia Tech Co., Ltd sẵn sàng tiếp nhận sinh viên trong quá trình đào tạo, cung cấp môi trường làm việc thực tiễn và hiện đại, giúp người học có thêm điều kiện rèn luyện kỹ năng và phát triển tư duy đổi mới sáng tạo.

Tại buổi làm việc, các bên thống nhất thành lập tổ công tác gồm đại diện Trường Đại học CMC, VELINA và các chuyên gia đến từ Đại học Arizona. Tổ công tác sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình phối hợp, trong đó từng thành viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo tính liên kết và hiệu quả trong mọi hoạt động.

Dự kiến, nhóm sẽ bắt tay chuẩn hóa chương trình đào tạo thông qua việc soạn thảo nội dung giảng dạy, chia sẻ học liệu và phát triển các dự án nghiên cứu khả thi. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Đại học Arizona tới đối tác Việt Nam cũng được coi là bước đi quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.

Từ những thảo luận sôi nổi, Trường Đại học CMC sẽ tiếp tục nỗ lực kết nối chặt chẽ hơn nữa với Đại học Arizona – một trong những đơn vị hàng đầu về nghiên cứu và đào tạo bậc nhất trong ngành bán dẫn. Việc thành lập các nhóm nghiên cứu liên trường được xem là giải pháp then chốt để chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên nghiên cứu và mở rộng cơ hội tiếp nhận tài trợ từ các quỹ quốc tế. Sự hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế, cùng việc chia sẻ nền tảng học liệu số, được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam bắt kịp các xu hướng mới nhất trong ngành bán dẫn, giảm thiểu độ trễ về mặt thông tin và công nghệ so với các nước phát triển.

Nhà trường dự kiến mở rộng các trung tâm mô phỏng, phòng lab liên ngành; đồng thời, khuyến khích sinh viên tham gia sâu vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Tất cả được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm vững chắc và các hướng khởi nghiệp tiềm năng. Việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, từ đó tạo ra các chương trình thực tập, thực hành phù hợp, là một trong những ưu tiên mà CMCU theo đuổi, với mong muốn gắn kết đào tạo hàn lâm cùng bối cảnh thực tế của ngành công nghiệp bán dẫn.

Trường Đại học CMC hợp tác đào tạo vi mạch bán dẫn ic design bộ công thương

Buổi làm việc giữa Trường Đại học CMC và đại diện các đơn vị là dấu mốc quan trọng trong kế hoạch hợp tác lâu dài, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Cùng với xu hướng chuyển đổi số và phát triển công nghệ cao hiện nay, hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học CMC và VELINA không chỉ dừng lại ở trao đổi chuyên môn, mà còn đặt nền móng cho kế hoạch tiếp theo trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách và nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn.

Xem thêm: