NCS. Nguyễn Minh Kiên – Người thầy mang hồn Việt vào từng tác phẩm nghệ thuật
19/05/2025 2025-05-23 18:35NCS. Nguyễn Minh Kiên – Người thầy mang hồn Việt vào từng tác phẩm nghệ thuật
NCS. Nguyễn Minh Kiên – Người thầy mang hồn Việt vào từng tác phẩm nghệ thuật
“Mọi hình thái nghệ thuật đều là kết quả của bối cảnh văn hoá – văn hoá chính là nền tảng chi phối nghệ thuật, định hình tư duy thẩm mỹ, ảnh hưởng đến cách con người cảm nhận và sáng tạo. Nếu bỏ qua yếu tố văn hoá, thiết kế chỉ còn là một lớp vỏ hào nhoáng, đẹp mắt nhưng vô hồn” – NCS. Nguyễn Minh Kiên, Phó Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế tại Trường Đại học CMC chia sẻ đầy tâm huyết. Trong quan điểm giảng dạy của thầy, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, nghệ thuật không phải là điều xa xỉ, mà chính là hơi thở, là cuộc sống, và văn hóa chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từng tác phẩm thiết kế.

Từ thực tiễn đến giảng đường: Hành trình định hình phong cách giảng dạy
Hành trình đến với sự nghiệp giảng dạy của NCS. Nguyễn Minh Kiên là sự kết hợp độc đáo giữa lý thuyết và thực tiễn. Tốt nghiệp từ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, thay vì lựa chọn con đường học thuật thuần túy, thầy lại quyết định bước chân vào lĩnh vực kinh doanh từ năm 2002. Khoảng thời gian này đã giúp thầy tích lũy không chỉ kiến thức thực tế mà còn tạo ra tư duy nhạy bén về cách thị trường vận hành.

Điểm đặc biệt trong phong cách giảng dạy của thầy chính là sự kết hợp giữa lý thuyết học thuật với trải nghiệm thực tế từ thương trường. Những kinh nghiệm quý giá từ doanh nghiệp đã định hình phong cách giảng dạy riêng biệt của thầy.
Thầy luôn đặt trọng tâm vào việc trả lời câu hỏi “Vì ai?” trước khi bắt tay vào bất kỳ ý tưởng thiết kế nào. Đây không chỉ là một phương pháp dạy học, mà còn là triết lý sâu sắc về trách nhiệm xã hội của người làm nghệ thuật. Sinh viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế tại Trường Đại học CMC nhờ vậy không chỉ học để tạo ra sản phẩm đẹp mà còn học cách tạo ra giá trị đích thực cho xã hội.
“Trong kinh doanh, tôi nhận ra rằng thiết kế vượt xa cái đẹp bề ngoài. Đó chính là sự thấu hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng và cả văn hóa sống của họ“, thầy kể lại. Trong mỗi tiết học, sinh viên không chỉ được học lý thuyết, mà còn được “sống” trong câu chuyện thực tế mà thầy mang tới. Những bài giảng sinh động về tâm lý người dùng, xu hướng thị trường, và sự giao thoa giữa văn hóa và thiết kế trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các bạn sinh viên tại Trường Đại học CMC.
Văn hóa là linh hồn của thiết kế
Với thầy Kiên, văn hóa là yếu tố nền tảng và cốt lõi của mọi sáng tạo nghệ thuật. Thầy luôn nhấn mạnh: “Thiết kế đẹp mà thiếu văn hóa thì chỉ là một lớp vỏ rỗng không hồn“. Khi thực hiện logo cho khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa, thầy đã dày công nghiên cứu, chắt lọc tinh hoa văn hóa từ chính địa phương, để rồi đưa hình ảnh biểu tượng bầu rượu cổ kính từ nóc nhà bia Vĩnh Lăng vào thiết kế logo đầy tinh tế và giàu ý nghĩa lịch sử.
Với mỗi dự án, thầy đều khuyến khích sinh viên bắt đầu từ việc thấu hiểu sâu sắc văn hóa, lối sống và tâm lý người dùng. Thầy không chỉ dạy cách làm ra sản phẩm đẹp mắt, mà quan trọng hơn là cách tạo ra sản phẩm có sức sống và giá trị bền vững thông qua sự kết nối với văn hóa.
Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thầy Nguyễn Minh Kiên đã vinh dự nhận giải thưởng “Nghệ thuật minh họa Báo chí và Xuất bản Việt Nam” do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp và cống hiến lâu dài của thầy trong lĩnh vực minh họa báo chí và xuất bản. Tại triển lãm, những tác phẩm thiết kế đồ họa xuất sắc của thầy đã nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn.


Thầy chia sẻ rằng, giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận cá nhân mà còn là động lực để thầy tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật minh họa tại Việt Nam. Theo thầy, trong thời đại số hóa, minh họa báo chí và xuất bản ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc truyền tải thông điệp và thu hút độc giả. Nhận định sâu sắc của thầy về xu hướng minh họa số và công nghiệp xuất bản đã tạo thêm giá trị cho những bài giảng của mình tại Trường Đại học CMC.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo và sự cân bằng trong nghệ thuật hiện đại
Nhận thấy tầm quan trọng của nghệ thuật minh họa trong thời đại truyền thông đa phương tiện, chương trình đào tạo ngành Thiết kế Đồ họa tại Trường Đại học CMC chủ động trang bị cho sinh viên kỹ năng sáng tác trên nền tảng số hóa thông qua việc sử dụng các thiết bị bảng vẽ điện tử hiện đại, giúp các bạn bắt kịp xu hướng thị trường, hội nhập và phát triển trong môi trường công nghiệp sáng tạo đầy cạnh tranh.

Tuy nhiên, để tạo nên dấu ấn sáng tạo nghệ thuật trong thời đại công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực, thầy Nguyễn Minh Kiên mang đến một góc nhìn sâu sắc về vai trò của AI trong nghệ thuật. Công tác tại Trường Đại học CMC – nơi AI được xem là thế mạnh, thầy luôn khuyến khích sinh viên tiếp cận công nghệ một cách chủ động, có chọn lọc nhưng không đánh mất giá trị cốt lõi của nghệ thuật: sự sáng tạo và yếu tố con người.
Quan điểm của thầy Kiên cho thấy sự thận trọng trong cách tiếp cận công nghệ. AI dù mạnh mẽ và tân tiến tới đâu cũng không thể thay thế cảm xúc người nghệ sĩ, bởi bản chất sâu xa của nghệ thuật là sự thấu cảm văn hóa, điều mà máy móc không thể cảm nhận được. Điều này không chỉ là một triết lý mà còn là lời nhắn nhủ đối với các nhà thiết kế trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình khi bước vào ngành công nghiệp sáng tạo.
“AI là phương tiện, giống như chiếc ô tô, trước khi muốn lái tốt, ta phải tự bước đi vững vàng trên đôi chân của mình“, thầy nói. Thầy luôn hướng dẫn sinh viên sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho sáng tạo, nhưng không để máy móc thay thế hoàn toàn sự sáng tạo của con người. Đối với thầy, AI dù có mạnh đến mấy cũng không bao giờ thấu hiểu văn hóa một cách sâu sắc như chính người nghệ sĩ.
Người truyền cảm hứng sáng tạo tại Trường Đại học CMC
Với cương vị Phó Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế, thầy Nguyễn Minh Kiên không chỉ đơn thuần là một người thầy dạy học, mà còn là một nguồn cảm hứng lớn cho cả giảng viên và sinh viên. Từng buổi lên lớp, từng bài giảng của thầy đều khơi gợi tình yêu văn hóa, khuyến khích sự tìm tòi và sáng tạo chân chính, giúp sinh viên hiểu rằng thiết kế đích thực là thiết kế bắt nguồn từ sự thấu hiểu và trân trọng cội nguồn văn hóa dân tộc.


Thầy luôn nhắc nhở sinh viên về giá trị bền vững của thiết kế khi gắn liền với cội nguồn văn hóa dân tộc, qua đó định hướng cho các em trở thành những nhà thiết kế không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có ý thức rõ ràng về bản sắc văn hóa và trách nhiệm với cộng đồng.
Tại Trường Đại học CMC, những nhà thiết kế tương lai được hun đúc bởi những người thầy tuyệt vời như thầy Kiên, để rồi tự tin bước ra thế giới, không chỉ mang theo sản phẩm, mà còn là niềm tự hào văn hóa Việt Nam.
Xem thêm:
- Từ giảng đường đến đời thực: Câu chuyện của NCS. Trình Thị Phương Thảo – người truyền cảm hứng kết nối văn hóa Nhật trong kỷ nguyên công nghệ tại Trường Đại học CMC
- Trên hành trình từ doanh nghiệp đến giảng đường đại học, TS. Ngô Trí Trung trải lòng về chìa khóa thành công cho sinh viên kinh doanh thời đại số
- Hành trình phát triển nhân tài trong lĩnh vực công nghệ của Tiến sĩ Ngô Minh Thành
- Để việc học ngoại ngữ không còn là gánh nặng: Lời chia sẻ của người thầy với 40 năm truyền lửa trong ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc