Những điểm cần lưu ý về Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025

Những điểm cần lưu ý về Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) vừa đưa ra những lưu ý quan trọng dành cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 quy định thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng phục vụ trực tiếp cho việc làm bài. Đáng chú ý, một điểm mới so với các năm trước là thí sinh sẽ không được mang Atlat Địa lý Việt Nam vào phòng thi. Vì vậy, thí sinh cần đặc biệt lưu ý danh mục các tài liệu, vật dụng bị cấm để tránh vi phạm quy chế, dẫn đến bị đình chỉ thi.

Lưu ý quan trọng dành cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Lưu ý cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Ông Phong cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được thiết kế nhằm đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này kéo theo một số thay đổi liên quan đến môn thi, thời gian thi và các yếu tố khác. Năm nay, thí sinh sẽ thi 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, cùng 2 môn tự chọn trong số 9 môn đã học ở bậc THPT. Ông nhấn mạnh, thí sinh cần cân nhắc lựa chọn các môn thi tự chọn sao cho phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học mà mình mong muốn.

Về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông Phong lưu ý rằng các môn theo hình thức trắc nghiệm sẽ có thêm hai dạng câu hỏi mới bên cạnh dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn quen thuộc. Cụ thể, đề thi năm nay sẽ bổ sung câu hỏi đúng/sai và câu hỏi trả lời ngắn, trong đó dạng trả lời ngắn yêu cầu thí sinh phải tự tính toán để tìm ra đáp án chính xác. Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, sự thay đổi này nhằm đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh.

Về mức độ tư duy, đề thi sẽ được thiết kế theo ba cấp độ: biết, hiểu và vận dụng. Trong đó, nếu chỉ đạt mức biết và hiểu, thí sinh có thể đạt khoảng 70% tổng điểm bài thi. Để đạt thêm 30% điểm còn lại – mức điểm mang tính phân hóa để xét tuyển đại học – thí sinh cần có khả năng vận dụng kiến thức. Vì vậy, để làm tốt bài thi, thí sinh nên bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi sẽ được xây dựng theo chương trình học, chủ yếu là kiến thức lớp 12, đồng thời lồng ghép những bối cảnh có ý nghĩa nhằm giúp thí sinh phát huy năng lực của mình. Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn, phần nghị luận văn học có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa do hiện nay có nhiều bộ sách khác nhau.

Xem thêm: