Seminar giới thiệu bài báo khoa học: “Evaluating Dimensionality Reduction Methods for the Detection of Industrial IoT Attacks in Edge Computing”
24/12/2024 2024-12-24 11:47Seminar giới thiệu bài báo khoa học: “Evaluating Dimensionality Reduction Methods for the Detection of Industrial IoT Attacks in Edge Computing”
Seminar giới thiệu bài báo khoa học: “Evaluating Dimensionality Reduction Methods for the Detection of Industrial IoT Attacks in Edge Computing”
Sáng ngày 23/12/2024, Khoa Vi Điện tử và Viễn thông phối hợp cùng Phòng Khoa học – Công nghệ, Trường Đại học CMC đã tổ chức thành công chương trình seminar giới thiệu bài báo khoa học: “Evaluating Dimensionality Reduction Methods for the Detection of Industrial IoT Attacks in Edge Computing”.

Sự kiện có sự tham gia chia sẻ của diễn giả: TS. Đặng Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI); Trưởng khoa Vi Điện tử và Viễn thông, Trường Đại học CMC. Chương trình thu hút sự quan tâm và tham gia của các giảng viên, nhà nghiên cứu và các em sinh viên đến từ Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Vi Điện tử và Viễn thông cùng cán bộ Viện CMC ATI.
Mở đầu chương trình, TS. Đặng Minh Tuấn đã giới thiệu bài báo khoa học “Evaluating Dimensionality Reduction Methods for the Detection of Industrial IoT Attacks in Edge Computing” được đăng trên Tạp chí INTERNATIONAL JOURNAL OF COMPUTERS COMMUNICATIONS & CONTROL (WoS, Q2) vào tháng 9/2024.

Bài báo nhấn mạnh vai trò của các phương pháp giảm chiều dữ liệu trong việc phát hiện các cuộc tấn công mạng vào hệ thống IoT công nghiệp trong môi trường tính toán biên. Với các dẫn chứng cụ thể và ứng dụng thực tiễn, TS. Đặng Minh Tuấn đã làm nổi bật tính cấp thiết của các nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh mạng IoT – một chủ đề đang thu hút sự quan tâm toàn cầu.
Phần thảo luận chuyên môn diễn ra sôi nổi với sự tham gia tích cực của các giảng viên, các nhà nghiên cứu. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh tính ứng dụng của nghiên cứu trong thực tế và tiềm năng mở rộng trong tương lai. Hoạt động này không chỉ cung cấp thêm góc nhìn mới mà còn khơi gợi nhiều ý tưởng sáng tạo, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong Nhà trường.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Phòng Khoa học – Công nghệ cũng trình bày kế hoạch mở rộng các buổi sinh hoạt học thuật đến các đối tượng quan tâm bên ngoài, bao gồm sinh viên từ các trường đại học khác. Đồng thời, các ý tưởng về việc tận dụng nguồn quỹ Khoa học – Công nghệ theo Quyết định 109 của Nhà trường để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh cũng được đưa ra thảo luận.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Vũ Việt Vũ – Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất các hoạt động hợp tác giữa các Khoa, bao gồm tổ chức các buổi seminar định kỳ, hợp tác viết bài báo, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và các chương trình workshop, trải nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong khuôn khổ các hoạt động tuyển sinh.
Đáp lại, TS. Đặng Minh Tuấn khẳng định, nằm trong hệ sinh thái liên kết mật thiết giữa Viện – Trường – Doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC sẵn sàng đồng hành cùng Trường Đại học CMC trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và triển khai các dự án thực tiễn, đồng thời đề xuất tổ chức chuỗi chương trình giới thiệu năng lực và công nghệ của Viện CMC ATI để xác định rõ các hướng hợp tác cụ thể.
Tại sự kiện, đại diện Phòng Khoa học – Công nghệ cũng đưa ra định hướng dài hạn nhằm mở rộng các buổi sinh hoạt học thuật hướng đến đối tượng sinh viên các trường khác và các nhà nghiên cứu có quan tâm. Đồng thời, cần tận dụng nguồn Quỹ Khoa học – Công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, có tính chuyên môn hóa cao nhằm gia tăng số lượng và chất lượng các công bố khoa học.
Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Trường Đại học CMC đặc biệt chú trọng. Đây không chỉ là nền tảng để nâng cao chất lượng giảng dạy, mà còn là cầu nối quan trọng để sinh viên và giảng viên tiếp cận với những xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới. Những buổi seminar về nghiên cứu khoa học không chỉ mở rộng kiến thức, mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự kết nối giữa Nhà trường với các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp hàng đầu. Qua đó hướng đến mục tiêu đưa Trường Đại học CMC trở thành một trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nước và khu vực, đóng góp tích cực cho nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số.
Xem thêm:
- Trường Đại học CMC ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Công ty Cổ phần MISA
- Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên Trường Đại học CMC năm học 2023 – 2024 và triển lãm công trình nghiên cứu khoa học sinh viên
- Sinh viên Trường Đại học CMC vững hành trang cho kỳ thực tập tại doanh nghiệp với Tuần lễ định hướng On Job Training Orientation Week – Spring 2025
Seminar lần này không chỉ đánh dấu bước đầu thành công trong việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2025, mà còn khẳng định vai trò của nghiên cứu khoa học trong chiến lược phát triển của Trường Đại học CMC, qua đó góp phần nâng cao vị thế trong cộng đồng học thuật và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.
TS. Đặng Minh Tuấn là một tên tuổi quen thuộc trong giới công nghệ thông tin với hơn 30 năm kinh nghiệm. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và sản phẩm công nghệ nổi bật như bộ gõ Vietkey – phần mềm gõ tiếng Việt đầu tiên trước khi UNICODE chính thức áp dụng, nhóm Vietkey Linux (sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2002), hệ thống nhận diện khuôn mặt CIVAMS, và giải pháp chuyển đổi âm thanh thành văn bản (Speech to Text). Ông nguyên là Đại tá quân đội, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về An toàn thông tin. Hiện tại, TS. Đặng Minh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI); Trưởng phòng Lab Blockchain – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Phó Chủ tịch Câu lạc bộ FinTech của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh vai trò lãnh đạo Viện CMC ATI, ông còn đảm nhận vai trò Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông, Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ tại Trường Đại học CMC. |