Sự kiện Talk x Artist: “Tạo hình Trạng Quỳnh thời đại mới” – Khi cảm hứng dân gian gặp gỡ sức sáng tạo trẻ
05/06/2025 2025-06-05 14:32Sự kiện Talk x Artist: “Tạo hình Trạng Quỳnh thời đại mới” – Khi cảm hứng dân gian gặp gỡ sức sáng tạo trẻ
Sự kiện Talk x Artist: “Tạo hình Trạng Quỳnh thời đại mới” – Khi cảm hứng dân gian gặp gỡ sức sáng tạo trẻ
Ngày 4/6 vừa qua, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường Đại học CMC phối hợp cùng Học viện đào tạo Hoạt hình Quốc tế Sconnect tổ chức sự kiện “Talk x Artist: Tạo hình Trạng Quỳnh thời đại mới” với sự tham gia của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng – người đứng sau dự án phim hoạt hình “Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu”. Chương trình đã thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia tích cực của hơn 50 bạn sinh viên ngành Thiết kế Đồ hoạ, tạo nên một không gian trao đổi nghề nghiệp sinh động và truyền cảm hứng.

Hành trình dài đến với nghề đạo diễn
Tại sự kiện, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng đã kể lại hành trình dấn thân vào nghề sáng tạo của mình từ những ngày đầu làm trợ lý sản xuất. Anh chia sẻ: “Có những hôm cả ngày tôi chỉ ngồi tẩy những nét thừa trong bản phác hoạ thôi, nhưng cũng từ đó mà tôi biết được quy trình sản xuất và tiêu chuẩn để làm ra một bộ phim hoạt hình”.

Chỉ trong vài tháng sau đó anh đã trở thành đạo diễn và tiếp đó là đứng đầu một dự án hoạt hình Việt. Anh khẳng định với các bạn sinh viên rằng: “Khi sáng tạo, đừng sợ sai, càng vẽ, càng viết nhiều càng tốt, sau đó, cảm xúc và cảm hứng sẽ từ từ đến. Nhưng cảm hứng không đến ngẫu nhiên, nó đòi hỏi kiến thức, trải nghiệm và quá trình rèn luyện kỹ lưỡng”.
Dự án “Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” được đạo diễn và ê-kíp ấp ủ trong suốt 3 năm. Giai đoạn đầu kéo dài 1,5 năm nhằm thu hút nhân tài, đồng thời thử nghiệm sản phẩm để tối ưu hoá quy trình sáng tạo. Với đội ngũ hơn 50 nhân sự gồm họa sĩ, biên kịch, hành chính,… Alpha Animation Studio luôn duy trì sự hoạt động chặt chẽ để đảm bảo sự nhất quán trong tạo hình và kể chuyện.
Gìn giữ bản sắc Việt trong từng nét vẽ
Một trong những thông điệp trọng tâm xuyên suốt chương trình được đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nhấn mạnh chính là tinh thần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc trong sáng tác hoạt hình hiện đại. Anh chia sẻ rằng, trong quá trình học hỏi và tiếp thu công nghệ, kỹ thuật từ phương Tây, điều quan trọng không phải là mô phỏng hay bắt chước, mà là biết chọn lọc để áp dụng sao cho phù hợp với văn hoá Việt Nam.

Theo anh, mỗi tác phẩm hoạt hình không chỉ là sản phẩm giải trí mà còn là một “câu chuyện văn hoá”, nơi người xem có thể nhận ra những giá trị Việt Nam qua hình ảnh, màu sắc, đường nét và cốt truyện, anh chia sẻ “Từ xa xưa, cha ông ta đã tạo ra những hình tượng và biểu tượng mang đậm tinh thần dân tộc. Vấn đề là làm sao để thế hệ sáng tác hôm nay không đánh mất mà còn làm sống lại những giá trị đó trong một diện mạo mới, hiện đại hơn, gần gũi hơn với công chúng trẻ”.
Sự kiện cũng mang đến cho sinh viên cơ hội được giao lưu trực tiếp, đặt câu hỏi và lắng nghe những chia sẻ chân thực từ đạo diễn Trịnh Lâm Tùng. Với lối trò chuyện gần gũi và truyền cảm, anh đã chia sẻ về hành trình theo đuổi nghề đạo diễn, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình sáng tạo, cũng như truyền đạt tinh thần dám nghĩ, dám làm và giữ gìn bản sắc dân tộc trong từng tác phẩm. Không chỉ tiếp nhận kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được truyền cảm hứng mạnh mẽ để định hình tư duy thiết kế và nuôi dưỡng đam mê với ngành hoạt hình Việt Nam.




Thử thách sáng tạo đầy sôi động dành cho các bạn sinh viên
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của chương trình là phần thử thách “Vẽ nhân vật dân gian theo phong cách của riêng mình”, nơi các bạn sinh viên được chia nhóm và sáng tạo trong vòng 20 phút. Những nhân vật như Lạc Long Quân, Thạch Sanh, Giao Long,… đã được tái hiện sinh động dưới góc nhìn trẻ trung, sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân.






Sau phần thử thách, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng đánh giá cao chất lượng các sản phẩm sinh viên, anh đưa ra nhận xét rằng nhiều bạn có tư duy thẩm mỹ tốt, cách thể hiện nhân vật rõ nét, nhịp điệu hình ảnh mượt mà và có khả năng chuyển động cao, đó là những yếu tố rất quan trọng trong sản xuất phim hoạt hình. Ngoài ra, anh cũng chia sẻ thêm kiến thức và kinh nghiệm cho các bạn sinh viên về việc tìm hiểu sâu văn hoá dân gian để đưa vào thiết kế nhân vật, lựa chọn nhân vật nền là những hình tượng có đặc tính tự nhiên rõ ràng để từ đó dễ dàng cách điệu và phát triển.

Kết thúc sự kiện, tác phẩm của sinh viên Hoàng Anh được đánh giá là nổi bật nhất, bên cạnh đó là hai nhóm sinh viên có phần thể hiện ấn tượng và nhận được phần quà đặc biệt từ phía chương trình.

Sự kiện không chỉ mở ra một buổi đối thoại ý nghĩa giữa nghệ sĩ và sinh viên, mà còn trở thành cầu nối truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. Thông qua những chia sẻ chân thành và thực tế từ đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, các bạn sinh viên tại Trường Đại học CMC không chỉ hiểu thêm về quy trình làm phim hoạt hình chuyên nghiệp, mà còn được tiếp cận với tư duy làm nghề nghiêm túc và trách nhiệm.

Quan trọng hơn cả, chương trình đã khơi gợi đam mê, giúp các bạn định hình phong cách sáng tạo riêng, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với văn hoá dân tộc trong suốt quá trình học tập và phát triển sự nghiệp thiết kế và sáng tạo sau này.
Xem thêm:
- Trường Đại học CMC ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Công ty Cổ phần CodeGym, thúc đẩy liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao
- C-Discovery #1: Trải nghiệm làng nghề Bát Tràng đưa sinh viên đến gần với giá trị văn hóa truyền thống
- Sinh viên Trường Đại học CMC tham dự sự kiện “Văn học Ba Lan tại Việt Nam”: Cầu nối văn hóa và cảm hứng học thuật thế hệ trẻ