ThS. Nguyễn Khánh Sơn – người giảng viên trẻ đầy tâm huyết, mang “hơi thở” doanh nghiệp vào từng bài giảng
11/03/2025 2025-03-19 10:32ThS. Nguyễn Khánh Sơn – người giảng viên trẻ đầy tâm huyết, mang “hơi thở” doanh nghiệp vào từng bài giảng
ThS. Nguyễn Khánh Sơn – người giảng viên trẻ đầy tâm huyết, mang “hơi thở” doanh nghiệp vào từng bài giảng
“Công nghệ luôn cải tiến hàng ngày, những điều mình học được hôm nay có thể ngày mai sẽ lỗi thời. Vì vậy, ý thức học tập suốt đời không chỉ là lựa chọn mà là điều bắt buộc trong lĩnh vực công nghệ thông tin” – đó là lời chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Khánh Sơn – giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin & Truyền thông về bí quyết phát triển bền vững trong ngành.

Những lời chia sẻ đầy tâm huyết ấy không chỉ là triết lý giảng dạy, mà còn là con đường sự nghiệp mà chính ThS. Nguyễn Khánh Sơn đã và đang kiên định theo đuổi. Từ vị trí AI Engineer tại Samsung Display Việt Nam – một trong những công ty hàng đầu toàn cầu trong ngành sản xuất màn hình của Tập đoàn Samsung, đến giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin & Truyền thông tại Trường Đại học CMC, bằng sự trẻ trung và nhiệt huyết, thầy đã mang đến một luồng gió mới cho môn học công nghệ thông tin, biến những tiết học vốn khô khan trở nên sinh động và gần gũi.
Sự nghiệp giảng dạy không phải điểm đến, mà là hành trình trở về
Trước khi trở thành giảng viên, Thạc sĩ Nguyễn Khánh Sơn từng đảm nhiệm vị trí AI Engineer tại Samsung Display Việt Nam. Khoảng thời gian làm việc tại một công ty dẫn đầu thế giới về công nghệ màn hình đã khiến anh tích luỹ được kiến thức chuyên môn cùng những kỹ năng quý báu không thể học được từ sách vở, từ quản lý nhân lực, làm việc nhóm, trình bày ý tưởng, vận hành dự án theo quy trình chuẩn từ việc lấy yêu cầu của khách hàng, phân tích thiết kế hệ thống, tiếng Anh, coding, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm.

Tuy nhiên, dù công việc tại doanh nghiệp mang lại nhiều cơ hội phát triển, niềm đam mê giảng dạy vẫn luôn thôi thúc anh. Anh chia sẻ, con đường sự nghiệp của bản thân mình đã được vạch ra rõ ràng ngay từ đầu: “Từ khi còn là sinh viên, tôi đã có định hướng trở thành một giảng viên đại học. Sau khi hoàn thành việc học, tôi đã dành ra vài năm để trải nghiệm xem thị trường đang vận hành như thế nào, những kiến thức mình đã học được áp dụng ra sao, và học thêm những công nghệ mới”. Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm thực tế, anh Sơn quyết định quay về môi trường học thuật để truyền đạt lại những gì mình đã học được cho thế hệ sau.
Mang “hơi thở” doanh nghiệp vào từng bài giảng
Khi được hỏi về dự án tiêu biểu nhất mà anh đã tham gia, ThS. Nguyễn Khánh Sơn không ngần ngại chia sẻ về dự án phát triển AI mà anh đã làm việc cùng Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
“Dự án tiêu biểu nhất là đào tạo cho trợ lý AI, mình được làm việc cùng PGS. TS. Nguyễn Hữu Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC. Khi sản phẩm được công bố, chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường. Đây là một nhánh của lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Những kiến thức mình học được từ thầy không chỉ là chuyên môn vô cùng sâu sắc mà còn là cách quản lý nhân lực, vận hành một nhóm để tạo ra sản phẩm tốt nhất cho tập thể và cộng đồng“, anh Sơn kể lại với niềm tự hào.

Chuyển đổi từ môi trường doanh nghiệp sang giảng dạy không phải là việc dễ dàng, nhưng với anh Sơn, thách thức lớn nhất lại là thời gian chuẩn bị cho mỗi bài giảng. Thầy Sơn chia sẻ: “Khi được làm công việc mình yêu thích thì mình không thấy có quá nhiều khó khăn. Đối với mình, thách thức lớn nhất là thời gian chuẩn bị trước khi lên lớp. Thời lượng bài giảng trên lớp chỉ kéo dài một tiết học thôi, thế nhưng mình mất ít nhất 3-4 tiếng chuẩn bị ở nhà để chuẩn bị slide, lồng thêm những kiến thức, kinh nghiệm và tài liệu liên quan để sao cho bài học hấp dẫn nhất với các em”.
Do giảng dạy ngành có đặc thù thay đổi nhanh chóng, thầy Khánh Sơn xây dựng một lịch trình làm việc khoa học để kịp thời nắm được những xu hướng công nghệ mới. “Ban ngày tôi tập trung giảng dạy,chuẩn bị đề cương và slide bài giảng còn buổi tối từ 7h đến 10h là thời gian tôi nghiên cứu và cập nhật kiến thức mới. Việc duy trì thói quen này giúp tôi luôn bắt kịp xu hướng công nghệ và áp dụng kịp thời vào bài giảng”.
Chính vì vậy mà các bài giảng của thầy đều được thiết kế rất thú vị và lôi cuốn, đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp lớp học của anh luôn nhận được sự yêu thích của các em sinh viên. Thầy Sơn vui vẻ chia sẻ rằng: “Mình cũng rất vui khi những giờ trưa, hoặc tối muộn rồi mà vẫn có sinh viên nhắn tin hỏi bài. Mình cố gắng giải đáp cho các bạn kịp thời nhất. Đấy chỉ là những khó khăn nhỏ thôi, thời gian tới khi quen với công việc này hơn, mình sẽ khắc phục được, công việc sẽ trơn tru và sắp xếp tốt hơn”.
Phong cách giảng dạy hướng đến sự chủ động và sáng tạo
Là một giảng viên trẻ, thầy Sơn đặc biệt chú trọng vào việc khuyến khích sinh viên chủ động trong học tập: “Tôi không muốn chỉ truyền đạt kiến thức một chiều mà luôn cố gắng tạo ra môi trường học tập thoải mái, nơi sinh viên có thể tự do trao đổi và sáng tạo. Tôi đề cao ba yếu tố quan trọng: thái độ học tập, kiến thức chuyên môn và kỹ năng tự học. Một sinh viên có tinh thần học hỏi tốt, biết cách khai thác tài nguyên và luôn cập nhật công nghệ mới sẽ có lợi thế lớn trong môi trường làm việc sau này”.

Bên cạnh đó, anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với sinh viên ngành công nghệ: “Bên cạnh chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và quản lý thời gian là những yếu tố không thể thiếu. Trong thực tế, một kỹ sư giỏi không chỉ cần viết code tốt mà còn phải biết cách trình bày ý tưởng và làm việc hiệu quả với các thành viên trong đội nhóm của mình”.
Với kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp lớn như Samsung Display, anh Sơn có những kế hoạch cụ thể để kết nối sinh viên với môi trường làm việc thực tế.
“Chắc chắn mình sẽ cố gắng khai thác tài năng của sinh viên. Trường mình có những sinh viên rất trẻ, nhanh nhẹn, năng động và rất giỏi công nghệ. Mình sẽ cố gắng kết nối các bạn trước tiên với các doanh nghiệp nhỏ để các bạn có thể bước đầu tiếp xúc với các dự án. Sau đó, các dự án sẽ tăng độ khó dần lên và những nghiên cứu cũng sẽ chuyên sâu hơn. Mình hoàn toàn tin tưởng những bạn sinh viên Trường Đại học CMC có thể làm được điều này“.
Câu chuyện của thầy Khánh Sơn không chỉ là hành trình chuyển đổi nghề nghiệp, mà còn là minh chứng cho triết lý giáo dục hiện đại: kết nối lý thuyết với thực tiễn và truyền lửa đam mê cho thế hệ tiếp theo. Quan trọng hơn, sự tận tâm và nhiệt huyết của anh trong việc truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thực tế chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, giúp thế hệ trẻ tự tin bước vào thế giới công nghệ đầy cạnh tranh.
Xem thêm:
Hiểu sâu về AI để dẫn đầu với Seminar: “Cách mạng AI: DeepSeek, ChatGPT và tác động của chúng”