Trên hành trình từ doanh nghiệp đến giảng đường đại học, TS. Ngô Trí Trung trải lòng về chìa khóa thành công cho sinh viên kinh doanh thời đại số
16/04/2025 2025-04-17 8:20Trên hành trình từ doanh nghiệp đến giảng đường đại học, TS. Ngô Trí Trung trải lòng về chìa khóa thành công cho sinh viên kinh doanh thời đại số
Trên hành trình từ doanh nghiệp đến giảng đường đại học, TS. Ngô Trí Trung trải lòng về chìa khóa thành công cho sinh viên kinh doanh thời đại số
“Thử thách lớn nhất của người trẻ bây giờ là vượt qua chính bản thân mình để thích nghi và tận dụng các công cụ, điều kiện mới về công nghệ để thật sự học, thật sự làm việc một cách chủ động, có trách nhiệm và tư duy”. Đó là lời khuyên đầy tâm huyết của TS. Ngô Trí Trung – người có nhiều năm kinh nghiệm tại các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực tài chính và hiện đang giảng dạy tại Khoa Kinh doanh và Quản lý, Trường Đại học CMC. Qua hành trình từ doanh nghiệp đến giảng đường, thầy đã mang đến cho sinh viên những bài học quý giá, giúp các bạn không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn ứng dụng vào thực tế, chuẩn bị bước đệm sẵn sàng cho tương lai thành công.

Bước chuyển mình từ Big4: Khi kinh nghiệm thực chiến trở thành bài giảng cho thế hệ mới
Không chỉ có kinh nghiệm làm việc tại Ernst & Young Việt Nam (EY) – một trong bốn tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới, TS. Ngô Trí Trung từng tham gia giảng dạy tại các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam như Đại học Help (Malaysia) và Đại học East London (UK). Thầy Trung đã dành nhiều năm học và làm nghề tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Chính những trải nghiệm ấy đã định hình phong cách giảng dạy gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn trong môi trường doanh nghiệp, hướng sinh viên đến tư duy thực hành, giúp các bạn hiểu sâu và áp dụng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Tiếp cận lớp học như một “anh Sếp”, thay đổi phương pháp giảng dạy hiện đại để trở thành người dẫn đường cho sinh viên Gen Z

TS. Ngô Trí Trung tin rằng, giáo dục hiện đại phải lấy người học làm trung tâm, giảng đường là nơi khơi dậy sự chủ động và sáng tạo của sinh viên. Thầy cho rằng đó là không gian nơi sinh viên được tự do đặt câu hỏi, tranh luận và tìm ra con đường riêng cho bản thân.
Mỗi giờ học do thầy Trung giảng dạy, sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn được thử thách qua những tình huống lấy cảm hứng từ thực tế ngoài thị trường. Thầy khuyến khích các bạn dám làm, dám thử và quan trọng nhất là dám sai để học. Thầy định hướng sinh viên tự tìm ra cách giải quyết vấn đề – một trong những kỹ năng quan trọng để tồn tại và phát triển trong thế giới kinh doanh đầy biến động. Bằng cách áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như học tập chủ động (active learning), học tập kết hợp (blended learning) thầy Trung giúp sinh viên hiểu sâu, nhớ lâu và dễ dàng áp dụng vào thực tế.
Thầy Trung rất tâm đắc với phương pháp học tập mô phỏng (simulation-based learning) đưa sinh viên vào những tình huống sống động như trong môi trường doanh nghiệp. “Khi các em đối mặt với những thử thách thực tế, các em không chỉ học cách tư duy, mà còn rèn luyện cách hành động và làm chủ hoàn cảnh” thầy chia sẻ. Đây là chìa khóa giúp sinh viên nhận ra sự khác biệt giữa kiến thức sách vở và thực tiễn nghề nghiệp.
Khác với nhiều giảng viên, thầy Trung lại lựa chọn cách tiếp cận với lớp học như một “doanh nghiệp” thu nhỏ, nơi sinh viên phải tư duy, tranh luận giải quyết vấn đề và không ngừng hoàn thiện bản thân. Thầy Trung tiếp cận mỗi lớp học như một “anh Sếp” nhưng không phải ra lệnh hay áp đặt mà là một người dẫn dắt, truyền cảm hứng và tạo động lực. Thầy hiểu rằng thế hệ Gen Z lớn lên trong một thời đại khác biệt hoàn toàn với hàng loạt công cụ công nghệ hỗ trợ và vô vàn cơ hội tiếp cận tri thức. Chính vì thế, giảng viên không thể giữ cách giảng dạy truyền thống mà phải liên tục đổi mới để thực sự trở thành một “người dẫn đường” giúp sinh viên định hướng và phát triển bản thân.
“Làm ‘sếp’ của Gen Z chưa bao giờ dễ, vì các em có quá nhiều công cụ hỗ trợ, quá nhiều cơ hội. Vậy nên, người thầy cũng phải không ngừng đổi mới để trở thành một ‘người dẫn đường’ thực thụ” – thầy Trung chia sẻ.
Một trong những khoảnh khắc khó quên đối với thầy Trung chính là khi chứng kiến các bạn sinh viên năm hai say sưa tranh luận, thể hiện sự nhiệt huyết và đam mê trong việc định hướng nghề nghiệp của mình trong một buổi trao đổi chuyên môn. “Tôi rất tự hào khi được làm việc với những người trẻ có tư duy phản biện và tinh thần cầu thị. Điều đó mới thực sự tạo nên giá trị giáo dục”.
Nâng cao lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính – kinh doanh trong thời đại 4.0
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tái định hình thế giới kinh doanh đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – kinh doanh nơi công nghệ hỗ trợ và đóng vai trò cốt lõi trong vận hành và ra quyết định. Từ ngân hàng, kiểm toán đến kế toán, dữ liệu và AI đã trở thành công cụ không thể thiếu giúp tối ưu quy trình dự báo rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động. Chính sự phát triển mạnh mẽ này đặt ra một câu hỏi lớn cho thế hệ trẻ: Làm sao để không bị AI thay thế mà có thể khai thác tối đa sức mạnh của nó để tạo lợi thế cạnh tranh?
TS. Ngô Trí Trung nhấn mạnh: “Xét cho cùng công nghệ thông tin hay trí thông minh nhân tạo đều chỉ là công cụ. Công cụ có thể thay thế một số nhân sự giản đơn hoặc tầm trung nhưng càng phát triển nó lại càng cần những con người chất lượng và có tư duy tốt“.
Sinh viên ngành tài chính – kinh doanh ngày nay không thể chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở. Nhà tuyển dụng không chỉ tìm kiếm những ứng viên am hiểu về kinh tế mà còn ưu tiên những người có khả năng vận hành công nghệ sử dụng AI để tối ưu công việc. Việc nắm bắt các công cụ phân tích dữ liệu, quản lý tài chính tự động hay dự báo xu hướng thị trường bằng AI sẽ là điểm cộng lớn giúp sinh viên nổi bật trên thị trường lao động.

Bên cạnh đó, thầy Trung cũng cho rằng thái độ học tập và tư duy là yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên AI: “Sinh viên thời nay cần thích nghi nhanh hơn. Quan trọng nhất không phải là công nghệ, mà là cách các em tư duy và đối diện với sự thay đổi“. Thầy ví von công nghệ AI như một tảng đá nếu biết tận dụng đúng cách, nó sẽ trở thành bệ phóng giúp sinh viên vươn cao. Ngược lại, nếu lạm dụng hoặc dựa dẫm vào AI một cách thụ động, chính tảng đá đó sẽ đè nặng trên vai, kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân.
Vậy nên để không bị AI thay thế mà còn có thể làm chủ nó, sinh viên cần rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Hãy coi AI là trợ thủ đắc lực không phải là chiếc nạng. Khi bước vào thị trường lao động bạn muốn đứng trên tảng đá để vươn xa hay để nó đè nặng trên vai mỗi ngày? Câu trả lời nằm ở cách học và áp dụng công nghệ ngay từ hôm nay.
Ngày nay chỉ cần một cú click chuột các em có thể khám phá cả thế giới tri thức rộng lớn nhưng điều làm các bạn trẻ trở nên khó khăn chính là khả năng vượt qua chính mình. “Khi càng có nhiều điều kiện, công cụ, nguồn lực để thành công thì sự khác biệt sẽ càng thể hiện rõ ở năng lực tự chủ và thái độ học tập của người trẻ” – đây chính là lời khuyên của thầy dành cho các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực kinh doanh nói riêng cũng như thế hệ trẻ nói chung trong thời đại số.
Xem thêm:
- TS. Hoàng Thị Yến: “Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu văn hóa. Khi biết một ngôn ngữ, ta có thể hiểu sâu hơn về đời sống tinh thần của một dân tộc”
- PGS.TS. Vũ Trí Dũng bật mí bí quyết thành công cho các Marketer tương lai
- Để việc học ngoại ngữ không còn là gánh nặng: Lời chia sẻ của người thầy với 40 năm truyền lửa trong ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc