TS. Hoàng Thị Yến: “Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu văn hóa. Khi biết một ngôn ngữ, ta có thể hiểu sâu hơn về đời sống tinh thần của một dân tộc”
09/04/2025 2025-04-16 9:25TS. Hoàng Thị Yến: “Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu văn hóa. Khi biết một ngôn ngữ, ta có thể hiểu sâu hơn về đời sống tinh thần của một dân tộc”
TS. Hoàng Thị Yến: “Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu văn hóa. Khi biết một ngôn ngữ, ta có thể hiểu sâu hơn về đời sống tinh thần của một dân tộc”
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là cánh cửa mở ra một thế giới mới. Đối với TS. Hoàng Thị Yến – Giảng viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học CMC, giảng dạy một ngôn ngữ không đơn thuần là dạy chữ, mà thông qua từng bài giảng, người học còn được làm quen với phương thức tư duy, hiểu thêm về một nền văn hóa. Suốt nhiều năm đứng trên giảng đường, cùng với các đồng nghiệp, cô đã góp phần khơi dậy trong sinh viên niềm say mê, hứng thú với tiếng Hàn – với bộ chữ Hangeul được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1997.

Cái duyên với tiếng Hàn và con đường học thuật
Mỗi người đến với một ngành nghề đều có những cơ duyên riêng. Với TS. Hoàng Thị Yến, con đường đến với ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc bắt đầu từ một sự tình cờ thú vị. “Tôi vốn yêu thích ngữ văn, nhưng rồi lại chọn tiếng Hàn vì được Cha tôi “dỗ” rằng có thể nghiên cứu đối chiếu hai ngôn ngữ”, cô chia sẻ. Một quyết định tưởng chừng là ngẫu nhiên, nhưng lại mở ra cả một hành trình gắn bó trọn đời với ngôn ngữ và nghiên cứu.
Cô vẫn thường nói vui rằng mình theo đuổi nghề giáo như một “nghiệp lành”, còn tiếng Hàn là cái “duyên tốt” mà cô có được nhờ biết nghe theo lời khuyên của những bậc tiền bối. Thế nhưng hơn cả một chữ “duyên”, chính sự nỗ lực, không ngừng học hỏi mới là điều khiến cô có thể đi xa trên con đường này. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, với người cha là cán bộ nghiên cứu ngôn ngữ học, cô Yến mang trong mình niềm đam mê với con chữ như một dòng chảy tự nhiên.
Từ những ngày đầu tham gia nghiên cứu cho đến khi hoàn thành luận án tiến sĩ, cô luôn giữ trong mình sự khiêm nhường của một người học và lòng kiên trì của một nhà nghiên cứu thực thụ. Cô chia sẻ: “Tri thức là vô hạn còn hiểu biết của mỗi chúng ta chỉ như hạt cát giữa sa mạc. Với những người học ngoại ngữ nhưng đi theo con đường nghiên cứu ngôn ngữ thì lại càng tồn tại nhiều “lỗ hổng” về kiến thức chuyên ngành. Vậy nên, tôi chọn con đường tự học qua nghiên cứu. Những kiến thức tôi thu nhận được qua quá trình đọc sách, viết bài, sửa bài theo ý kiến phản biện của các chuyên gia khi gửi bài cho các tạp chí chuyên ngành quả thực là có giới hạn. Nhưng“tích tiểu thành đại”, cùng với thời gian, những trải nghiệm với nhiều vui buồn đó đã giúp tôi trưởng thành về chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu”.
Việc lựa chọn con đường “tự học qua nghiên cứu”, trong thực tế, không phải là điều dễ dàng. Nhưng với cô, đó không chỉ là cách lấp đầy những khoảng trống trong tri thức một cách hiệu quả, mà còn là cách để từng bước chạm tới những chân trời mới. Cô đã mạnh dạn đăng kí tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế, đăng kí thực hiện đề tài các cấp để tự đặt cho mình những nhiệm vụ khoa học trong một khoảng thời gian xác định với những áp lực của công việc, của cuộc sống hàng ngày. Gần ba mươi năm qua, từ những ngày đầu đứng trên bục giảng của giảng đường đại học cho đến lúc này, TS. Hoàng Thị Yến luôn giữ trong mình tinh thần cầu thị như vậy.
Ngôn ngữ không phải những con chữ vô hồn, mà là tấm gương phản chiếu lối tư duy và nền văn hóa của một dân tộc
Trong số những công trình nghiên cứu của mình, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất của cô Yến chính là chuyên khảo về Hành động hỏi trong tiếng Hàn. Đây là kết quả của luận án tiến sĩ và những bài báo cô đã công bố trước và sau thời gian học nghiên cứu sinh, là sự kết tinh của tám năm nghiên cứu miệt mài.
Cô chia sẻ về những trải nghiệm nghiên cứu đáng nhớ của mình: “Tôi đã vận dụng lí thuyết về tính nghi vấn trong câu hỏi của các nhà Hàn ngữ học vào thực tiễn đối chiếu hành động hỏi trực tiếp và gián tiếp trong tiếng Hàn và tiếng Việt (trên ngữ liệu phim truyền hình Hàn Quốc). Với những bài viết công bố trên các tạp chí chuyên ngành, có lúc tôi nhận được lời khen là “có tư duy sâu sắc”, nhưng cũng có khi bị “giận” vì “chưa hiểu hết, chưa hiểu đúng” ý tưởng khoa học của các tiền bối khi làm tổng quan về lịch sử nghiên cứu vấn đề”.
Ngôn ngữ không phải những con chữ vô hồn, mà là tấm gương phản chiếu lối tư duy và nền văn hóa của một dân tộc. Bằng quan niệm đó, cô đã dành nhiều năm nghiên cứu tục ngữ – đơn vị ngôn ngữ được cho là chứa đựng “trầm tích văn hóa” của một dân tộc (theo cách nói của GS Hoàng Văn Hành trong cuốn Thành ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, 2004). Tục ngữ là kho tàng kinh nghiệm, là kết tinh của trí tuệ con người; là “những thông điệp xuyên thời gian, kết nối con người với lịch sử và thế hệ trước với thế hệ sau”. Những công trình nghiên cứu của cô về tục ngữ Hàn – Việt không chỉ giúp sinh viên hiểu tiếng Hàn một cách sâu sắc hơn, mà còn góp phần tạo ra một cầu nối văn hóa giữa hai đất nước.
Trong khoảng thời gian tám năm (từ 2018 đến 2025), cô đã xuất bản ba cuốn sách về đối chiếu tục ngữ trong tiếng Hàn, tiếng Việt. Đây không chỉ đơn thuần là những tài liệu báo cáo kết quả nghiên cứu học thuật, mà còn là những cuốn sách giúp người đọc cảm nhận được sự gần gũi của hai dân tộc qua những nét tương đồng về thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan; sự độc đáo qua những nét khác biệt về phương thức tư duy, cách liên tưởng. Khi giảng dạy hay hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, cô luôn lưu tâm để có thể lồng ghép những câu thành ngữ, tục ngữ vào bài học, giúp sinh viên mở rộng kiến thức và từng chút một, có thể cảm nhận và ngấm dần cách cảm, cách nghĩ của người Hàn Quốc. “Việc học một ngôn ngữ là học cả cách tư duy, học cả những điều sâu xa ẩn trong từng con chữ”, cô chia sẻ.


Người lái đò của những nhà nghiên cứu trẻ
Với tâm niệm tri thức phải được chia sẻ và lan tỏa, cô Yến không chỉ tập trung vào các giờ dạy, các công trình nghiên cứu cá nhân mà còn đặc biệt chú trọng việc truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Cô luôn khuyến khích các đồng nghiệp trẻ và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, xem đây là con đường tốt nhất để phát triển tư duy khoa học và bản lĩnh học thuật: “Nghiên cứu khoa học là cách tốt nhất để tu dưỡng bản thân, phát triển tư duy phê phán và sáng tạo; là con đường để các em vượt qua chính mình, tự bước đi và trưởng thành”.
Với cô, nghiên cứu không chỉ giúp sinh viên học hỏi, mà còn rèn luyện tính kiên trì, ham học hỏi và tư duy phản biện. Cô vẫn nhớ có những sinh viên năm đầu bước vào lớp còn ngại ngần, nhưng chỉ sau một dự án nghiên cứu nhỏ, các em đã dần tự tin, bắt đầu đặt những câu hỏi thú vị, thậm chí có những góc nhìn rất mới mẻ mà ngay cả cô cũng bất ngờ. Nhóm “hải nữ” gồm bốn nữ sinh viên của lớp 22KL2 là như vậy. Với ý tưởng ban đầu muốn tìm hiểu về “hải nữ” – là nghề lặn biển để bắt cá, cũng chỉ những người phụ nữ làm nghề này ở đảo Jeju, Hàn Quốc, các em lúng túng không biết phải triển khai nghiên cứu theo hướng nào, tìm kiếm ngữ liệu từ đâu. Được cô Yến gợi ý, các em đã giới hạn việc phân tích hình ảnh “hải nữ” qua một bộ phim. Kết quả là, nhóm đã xuất sắc giành giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường của Trường Đại học CMC năm học 2023-2024. Cuối năm 2024, nhóm sinh viên lại tiếp tục thực hiện một nghiên cứu khác về ứng dụng ChatGPT trong học tập và phát biểu tại Hội thảo giao lưu nghiên cứu khoa học sinh viên Việt – Hàn KF lần thứ 4.

Cô Yến luôn tin rằng, nghiên cứu không phải là đặc quyền của giảng viên hay những người làm khoa học chuyên sâu, mà bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu, miễn là họ có đam mê – đủ để kiên trì, nhẫn nại thực hiện đến cùng việc đi tìm lời giải thỏa đáng cho sự tò mò, ham học hỏi của mình. Đây chính là triết lí giáo dục mà cô luôn mang theo suốt hành trình làm nghề.
Một hành trình mới, một sứ mệnh mới tại Trường Đại học CMC
Nói về quyết định lựa chọn gắn bó với Trường Đại học CMC sau 25 năm tham gia giảng dạy tại các trường đại học lớn, cô chia sẻ rằng, đây không chỉ là một bước ngoặt trong sự nghiệp, mà còn là một cơ hội để cô tiếp tục lan tỏa tri thức, tiếp tục thắp sáng tình yêu với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cho những thế hệ sinh viên mới.

Ở Trường Đại học CMC, cô đồng hành với một đội ngũ giảng viên tận tâm, yêu nghề, cô lại tiếp tục vừa giảng dạy, vừa đồng hành cùng sinh viên trên con đường chinh phục tri thức. “Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ có những ngày tháng thanh xuân thật ý nghĩa và hạnh phúc khi theo học ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường Đại học CMC”, cô Yến chia sẻ.
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là chìa khóa mở ra cả một thế giới mới. Với TS. Hoàng Thị Yến, mỗi sinh viên khi bước vào lớp học không chỉ đang học một ngôn ngữ, mà còn đang từng bước chinh phục một nền văn hóa khác, làm quen với một cách tư duy mới. Trong môi trường giáo dục đại học, với sự rèn cặp, chỉ bảo của các thầy cô, các em sẽ dần định hình quan điểm cá nhân, hình thành một phong cách sống đúng đắn.
Chọn đồng hành cùng sinh viên CMC, TS. Hoàng Thị Yến không chỉ mang theo những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu, cô mang theo cả sự tận tụy của một người gieo hạt, một người truyền cảm hứng. Vì với cô, dạy học chưa bao giờ chỉ là truyền đạt tri thức, mà còn là sứ mệnh thắp lên trong lòng sinh viên niềm say mê, để một ngày nào đó, chính các em sẽ trở thành những người tiếp nối, mở ra những cánh cửa tri thức mới cho thế hệ sau.
Xem thêm:
- Để việc học ngoại ngữ không còn là gánh nặng: Lời chia sẻ của người thầy với 40 năm truyền lửa trong ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc
- Cơ hội trải nghiệm môi trường học tập quốc tế cho sinh viên qua chương trình trao đổi tại Đại học Mokpo, Hàn Quốc
- PGS.TS. Vũ Trí Dũng bật mí bí quyết thành công cho các Marketer tương lai